Cấy chuyển răng khôn – Tại sao không?

Lý do để nhổ răng khôn là do răng khôn bị mọc lệch, mọc ngầm, răng bị sâu, gây đau, gây viêm nướu hoặc là nhổ dự phòng. Các răng khôn đã nhổ đa phần bị bỏ đi hoặc chỉ giữ lại làm răng khô cho mục đích thực hành. Thế nhưng răng khôn còn được dùng làm gì nữa không? Trong những trường hợp bệnh nhân có răng khôn chỉ định nhổ và có răng khác bị sâu lớn không thể giữ được thì có thể dùng răng khôn để thay thế răng hư được không?

Nhân 1 bài báo cáo ca lâm sàng đăng trên tạp chí AJO-DO về 1 trường hợp mất nhiều răng, rối loạn khớp cắn (1). Bệnh nhân này được lên kế hoạch chỉnh nha có kết hợp neo chặn xương TSADs để đánh lún, kéo lùi giảm hô, và sắp xếp khoảng để phục hình các răng mất bằng cách cắm 5 implant. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã chọn chỉnh nha kết hợp với cấy chuyển răng cối nhỏ và răng khôn vào vị trí răng mất để giảm số lượng implant cấy ghép. Dữ liệu theo dõi bệnh nhân sau 7 năm 8 tháng cho thấy khớp cắn ổn định, hai răng cấy ghép tự thân vẫn duy trì ổn định, không có vấn đề nha chu (độ sâu túi bình thường và không chảy máu). X quang quanh chóp cho thấy phiến cứng bình thường mà không có tình trạng tiêu chân răng đáng kể.

Cấy ghép tự thân không phải là một kỹ thuật mới và được ghi nhận lần đầu tiên cách đây hơn 400 năm. Tuy nhiên, nó không được thực hiện thường xuyên vì tỷ lệ thành công khoảng 50% cho đến những năm 1950. Các nghiên cứu gần đây cho thấy với các kỹ thuật cải tiến đã báo cáo tỷ lệ sống sót là 97% (370 răng cối nhỏ) lên đến 13 năm theo dõi bởi Andreasen (2), tỷ lệ sống sót 97,5% lên đến 17 năm đối với 40 bệnh nhân liên tiếp của Johnson và Sigurdsson (3), và thậm chí tỉ lệ sống sót 100% (28 răng cối nhỏ) lên đến 14 năm theo nghiên cứu của Tannaka (4). Năm 2012, Yoshino và cộng sự (5) đã báo cáo 614 ca cấy ghép tự thân trên 552 bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 44 tuổi (từ 17 đến 79 tuổi). Tỷ lệ thành công của răng cấy ghép tự thân có chân răng hình thành hoàn chỉnh là 90% sau 5 năm, 71% sau 10 năm và 56% sau 15 năm theo dõi. Các lý do thất bại phổ biến nhất là mất bám dính (55%), tiêu chân răng (27%), sâu răng (4%) và gãy (3%).

Cấy ghép tự thân đã được chứng minh là một phương pháp điều trị thay thế khả thi cho implant nha khoa, mặc dù ngày nay implant nha khoa là tiêu chuẩn vàng để phục hồi răng bị mất. Các kết quả nghiên cứu gần đây đã giúp các nhà lâm sàng có thêm 1 lựa chọn để phục hồi các răng bị mất, bên cạnh implant nha khoa, đó là cấy chuyển răng mà đặc biệt là răng khôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo

Call Now Button